8. Lễ hội Pindaya Shwe Oo Min
Thời gian: từ ngày 11 đến ngày trăng tròn tháng Tabaung, diễn ra trong 5 ngày.
Địa điểm: Pindaya, miền nam bang Shan.
Các tộc người Shan, Pa O, Palaung, Taung Yoe, Intha, Danu sống quanh khu vực Pyindaya tham dự và cắm trại dưới những cây đa lớn để tham dự lễ hội. Đó là một cảnh tượng rất ngoạn mục, người thì đến bằng ôtô, người thì đi thành hàng dài trên những xe bò truyền thống. Từng bộ tộc quây tròn quanh những chiếc xe, ở giữa là vòng tròn, người dân nấu nướng, và nghỉ ngơi trong những đêm lễ hội.
9. Lễ hội chùa Shwe Myet Hman – tổ chức hàng năm.
Thời gian: Từ ngày 13 đến ngày trăng tròn tháng Tabaung, diễn ra trong 3 ngày.
Địa điểm: Shwetaung, thành phố Bago.
Nhiều Phật tử đến dự lễ hội bày tỏ lòng tôn kính, những người khác có thể chiêm bái tượng Phật trong chùa – là bức tượng Phật duy nhất đeo kính mắt vàng ở Myanmar. Đến với lễ hội, du khách có thể mua những đặc sản của vùng Pyay hoặc hàng thủ công mĩ nghệ truyền thống của Myanmar.
10. Lễ hội chùa Kekku
Thời gian: từ ngày 14 tháng Tabaung, diễn ra trong 3 ngày.
Địa điểm: khu chùa cổ Kekku, gần Taunggyi, miền nam bang Shan.
Đây là khu vực với hơn 3.000 ngôi chùa, được cho là được dựng từ thời Bagan theo phong cách Yun Shan, nằm trên vùng đồi nhìn xuống thung lũng Hopon. Vào ngày trăng tròn tháng Tabaung, người Pa O đến lễ hội với những trang phục đẹp nhất để bày tỏ lòng tôn kính với chùa Kekku. Thời gian thích hợp nhất để xem lễ hội là lúc bình minh ngày trăng tròn, khi những người dân đến để dâng lễ lên tượng Phật. Lễ hội kết thúc khi những người hành hương cúng dường cơm và những vật phẩm khác cho hơn 1.000 nhà sư tại đây.
11. Lễ hội chùa vàng Shwedagon
Thời gian: Ngày rằm tháng Tabaung, diễn ra trong khoảng 1 tuần trước trăng tròn.
Địa điểm: Yangon.
Chùa VàngShwedagon ngôi chùa nổi tiếng nhất Myanmar và Lễ hội chùa vàng là một trong những lễ hội thu hút nhiều người hành hương nhất. Trong lễ hội có những cuộc thi dệt quần áo cà sa bằng khung dệt truyền thống để dâng lên các pho tượng Phật tại 4 góc chùa. Các nhà sư đọc kinh cả ngày không nghỉ trong suốt lễ hội. Phật tử lên chùa làm lễ tất cả các ngày trong tuần và cúng dường để tôn tạo chùa.
12. Lễ hội chùa Shwe Sar Yan
Thời gian: Từ ngày trăng tròn tháng Tabaung, kéo dài 9 ngày.
Địa điểm: Làng Shwe Sar Yan, Patheingyi, cố đô Mandalay.
Đường đến chùa Shwe Sar Yan bằng ôtô rất dễ đi, nằm gần đường cao tốc Mandalay – Lashio. Hội chùa rất thú vị với một phiên chợ nông thôn đặc trưng, thu hút du khách đến từ những vùng rất xa. Điểm thu hút của lễ hội là các đồ chơi truyền thống đan từ lá cọ khô. Cạnh chùa là một ngôi chùa có từ thế kỷ 17, chùa Po Kalar Gu, với rất nhiều tranh bích họa đẹp.
13. Lễ hội chùa Alaungdaw Khathapa
Thời gian: Ngày trăng tròn tháng Tabaung, diễn ra trong 1 ngày.
Địa điểm: Công viên quốc gia Alaungdaw Khathapa, bang Sagaing.
Ngôi chùa được tọa lạc trong công viên quốc gia ở quận Yinmarbin, bang Sagaing. Rất đông người dân từ các khu vực lân cận đến tham dự lễ hội. Du khách đến đây không chỉ tham dự lễ hội mà còn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên của một trong những địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng nhất của Myanmar.
14. Lễ hội Panguni Utram (Ngày trăng tròn tháng Panguni của người Tamil)
Thời gian: Ngày trăng tròn tháng Tabaung hoặc Tagu (tháng 3 hoặc tháng 4), diễn ra trong 10 ngày.
Địa điểm: Đền Sri Angata Eswari Munieswar Swamy, làng Pelikha, quận Kyauk Tan, Yangon.
Đây là lễ hội lớn của người theo đạo Hindu ở Myanmar tổ chức tại đền Sri Angata được xây dựng từ năm 1862. Các hoạt động nghi lễ thu hút nhiều người tham gia, nhiều người đợi hàng giờ để được chứng kiến họ hàng, bạn bè của mình tham gia nghi lễ. Sau khi đi trên than hồng, các tín đồ sẽ lội qua một hố đầy sữa dê, sau đó bôi bột nghệ vàng lên chân. Lễ hội thiêng này thường có nhiều tín đồ địa phương và người nước ngoài tham gia.